Chàng sinh viên Lê Văn Đây (24 tuổi, khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) đã trả lời câu hỏi trên bằng đôi giày thông minh do chính tay anh sáng tạo.
“Bùa hộ mệnh” lúc nguy cấp
Lê Văn Đây tiết lộ, ngày nhỏ thường xem phim hành động, điều cậu ấn tượng nhất là những đôi giày của các điệp viên bên trong chứa rất nhiều thiết bị hỗ trợ kết nối, phòng vệ, đánh trả đối phương… Cậu ước mơ có một đôi giày như thế khi lớn lên. Chính ước mơ này đã thôi thúc cậu sáng chế ra đôi giày “chống bắt cóc trẻ” sau này.
Chìa ra trước mắt chúng tôi một vật cứng lớn cỡ lòng bàn tay đã được bọc kín, chàng sinh viên bách khoa giới thiệu đó là thiết bị sẽ được gắn dưới đế giày. Bên trong có con chip xử lý, bộ định vị GPS, module kết nối sim điện thoại. Khi khởi động, thiết bị này ghi nhận tọa độ GPS của bé 24/24; cứ 45 phút/lần, thiết bị sẽ báo về điện thoại bố mẹ. Ngoài khoảng thời gian trên, nếu bố mẹ muốn biết thông tin của con chỉ việc gửi tin nhắn tới, thiết bị sẽ báo chính xác. Trong trường hợp mất sóng, thiết bị sẽ lưu lại tọa độ GPS cuối cùng mà nó nhận được.
“Mình cũng bố trí thêm một vị trí bên hông thiết bị, khi đưa vào giày sẽ nằm ngay hõm chân. Nếu bé gặp bất trắc cứ dùng chân bên kia đá vào chỗ này 3 cái liên tục, thiết bị sẽ nhận đó là tín hiệu khẩn cấp, lập tức gửi tín hiệu về điện thoại bố mẹ. Điện thoại sẽ hú lên theo kiểu SOS. Như vậy bố mẹ có thể nhanh chóng ứng cứu con”, Đây nói.
Chàng sinh viên này còn sáng tạo thiết bị xử lý nhiều tình huống không hay khác xảy đến với trẻ. “Nếu muốn biết con đi nhà trẻ có được chăm sóc, ăn uống như thế nào, có bị bạo hành không, bố mẹ chỉ cần gọi điện tới, thiết bị sẽ tự động bắt máy và ghi âm cuộc gọi giúp mình có thể nghe được diễn biến. Cách này còn có thể áp dụng khi trẻ bị tai nạn”, Đây nói thêm.
Không ảnh hưởng trẻ, tiết kiệm chi phí
Giày bảo vệ bé được chạy bằng pin hoàn toàn bọc kín trong thiết bị này. Khi hết pin chỉ cần đặt lên hộp sạc không dây trong 2 tiếng là đầy pin. Để hoàn thiện sáng chế này, Đây đã mất hai tháng mày mò chế tạo, trong đó dành một thời gian dài để kiểm tra, đánh giá độ bền. “Bộ này có thể chạy liên tục 15 tiếng, hoàn toàn chịu được trọng lượng cơ thể của bé. Các thiết bị bên trong cũng tương tự chiếc điện thoại nên nó sẽ có tuổi đời bằng với điện thoại”, Đây cho biết.
Khi thiết bị “trình làng”, nhiều người thắc mắc tại sao không cập nhật từng giây về tọa độ, mà phải 45 phút/lần, Đây lý giải vì không dùng wifi, 3G hay bất kỳ gói dữ liệu nào cho cả điện thoại của bố mẹ lẫn “bùa hộ mệnh”, chỉ cần kết nối với nhà mạng và hoạt động qua giao thức tin nhắn. Cách này vừa tiết kiệm đường truyền, vừa tiết kiệm chi phí, hoạt động ổn định. Mặt khác, nếu dùng wifi, 3G thì chỉ vài tiếng sẽ nhanh hết pin.
Đây cũng lưu ý, khi sim hoạt động thì phát sinh sóng điện từ không tốt cho trẻ, vì vậy sim được đưa vào chế độ ngủ đông, làm nhiệm vụ đọc GPS, chỉ khi nào gọi mới “thức dậy”. Đặc biệt, sim sẽ dùng gói cước trả sau để loại trừ trường hợp mất kết nối do hết tiền.
“Còn câu hỏi tại sao lại là giày chứ không phải vật dụng khác, chẳng hạn như đồng hồ? Bởi kẻ gian ít để ý hoặc phát hiện ra đó là đôi giày thông minh. Sau này nếu nhiều người biết, mình sẽ tiếp tục tính cách đưa ra thị trường thiết bị này dưới dạng khác chứ không phải đôi giày nữa”, Đây chia sẻ thêm.
Với sáng chế này, Lê Văn Đây vừa giành giải trong cuộc thi nghiên cứu khoa học của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Đây đang cố gắng huy động vốn để thương mại hóa sản phẩm này. Đây mong muốn tự tay mình có thể đưa sản phẩm đến tay mọi người. “Giá của đôi giày hơn một triệu đồng, nếu sản xuất hàng loạt chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều”, Đây tiết lộ.
Bước chân vào đại học, Lê Văn Đây đã chế tạo ra nhiều máy móc phục vụ nông nghiệp thông minh. Các loại máy này được nông dân, các cơ sở sản xuất mua về sử dụng và họ tiếp tục đặt hàng cho Đây. Trong đó có thể kể đến máy rang sấy ngũ cốc bán tự động, dây chuyền làm tương ớt, máy tách hạt đậu…
Theo Tiền Phong
- iPhone 6 cũ giá chưa tới 3 triệu đồng tiểm ẩn nhiều rủi ro (17.07.2018)
- Giá Galaxy Note9 có thể lên gần 1.200 USD (13.07.2018)
- Kết quả nghiên cứu: Những người dùng iPhone thường giàu có (09.07.2018)
- FPT xin phép thử nghiệm xe tự lái trên hệ thống giao thông (11.05.2018)
- Màn điều khiển cánh tay bằng suy nghĩ của 2 học sinh lớp 8 (10.05.2018)
- Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu tiền tỷ (07.05.2018)
- Đà Nẵng đưa ứng dụng chatbot tra cứu thông tin du lịch (21.04.2018)
- NAM SINH LỚP 11 Ở QUẢNG NAM SÁNG CHẾ MÁY KIỂM SOÁT NỒNG ĐỘ CỒN TỰ ĐỘNG ‘KHÓA’ XE MÁY (10.03.2018)
- “cai nghiện” điện thoại bằng điện thoại (01.12.2017)
- Tiện ích tra cứu thông tin xe buýt qua tin nhắn SMS và zalo đã được triển khai tại Đà Nẵng (30.11.2017)